Nhiều chuyên gia nhận định, khu Nam Sài Gòn từ lâu được xem là điểm sáng về tốc độ phát triển đô thị đồng bộ và vượt bậc so với các khu vực khác. Trong năm 2018, TP.HCM đã lên kế hoạch chi hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư nhiều dự án giao thông quy mô lớn, hứa hẹn tạo “cú hích” mới cho thị trường nhà đất khu vực này.
Nhiều dự án cầu đường quy mô lớn sắp được xây dựng
Theo ông Ngô Quang Phúc – Tổng Giám đốc Phú Đông Group, với hàng loạt cơ sở hạ tầng đột phá và quy mô trong thời gian tới, thị trường bất động sản khu Nam (quận 7, 8, Nhà Bè, Cần Giờ) sẽ luôn giữ vững đẳng cấp. Bằng chứng là hàng loạt các tên tuổi lớn trong giới địa ốc đã tung ra những dự án lớn để thu hút khách hàng. Nếu thời điểm trước khu Nam nổi lên với những dự án thuộc phân khúc cao cấp, thì năm 2017 – 2018 nhiều dự án chung cư tầm trung được các chủ đầu tư ưu ái.
“Xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh trong một vài năm tới, nhất là mảng văn phòng cho thuê. Một phần do khu Nam đang được TP.HCM chú trọng đầu tư nhiều dự án giao thông khá lớn kết nối toàn vùng với khu trung tâm, phần khác nơi đây được thụ hưởng sự phát triển sẵn có của khu đô thị Phú Mỹ Hưng như mảng xanh, tiện ích ngoại khu, nhiều tuyến đại lộ lớn…”, ông Phúc nói thêm.
Thật vậy, theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam Sài Gòn đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2020 như: dự án cầu Thủ Thiêm 3; cầu Thủ Thiêm 4; dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng); dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; dự án đường trục Bắc – Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỷ đồng; dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng vừa được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018…
Đặc biệt, UBND TP.HCM đã giao công ty Phú Mỹ Hưng nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư dự án hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, với số vốn gần 4.000 tỷ đồng.
Không dừng ở đó, khu Nam Sài Gòn còn có các dự án quy hoạch trục đường Phú Thuận, nối từ khu vực Mũi Đèn Đỏ thẳng vào khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Đường Phú Thuận sẽ là trục đường huyến mạch quan trọng, tạo động lực phát triển khu vực này trong năm 2017.
Bên cạnh những dự án trọng điểm, khu Nam cũng có sự phát triển đồng bộ nhiều tuyến đường để kết nối thuận tiện với khu trung tâm. Đường Huỳnh Tấn Phát được mở rộng lên 30m kết nối với trục đường chính Nguyễn Văn Linh. Cầu Bình Tiên được xây dựng để mở đường cho việc hình thành tuyến đường Vành đai trong kết nối toàn bộ khu vực Nam Sài Gòn với các khu vực Tây và Tây Nam thành phố.
Đặc biệt, dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh sẽ được cây dựng theo hình thức BOT kết hợp BT. Hiện nay Sở Quy hoạch – Kiến trúc đang tổ chức thi tuyển kiến trúc để trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc, trước mắt thành phố cũng lên phương án mở rộng đường Lê Văn Lương – tuyến đường huyết mạch kết nối khu Nam TP.HCM và tỉnh Long An. Song song đó, tuyến Metro số 4 với tổng vốn đầu tư 97.000 tỷ đồng (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước.
|
Tuyến đường Nguyễn Tất Thành, nối quận 1 và quận 7, chuẩn bị được đầu tư nâng cấp mở rộng. Cộng với đó, tại đây còn có dự án cầu Thủ Thiêm 3 và 4 sẽ tạo cú hích mới cho thị trường địa ốc toàn khu Nam. |
Thị trường nhà đất dự báo sôi động
Đánh giá về triển vọng khu Nam nói riêng và TP.HCM nói chung, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết, dư địa tăng trưởng và phát triển cho TP.HCM còn rất lớn. Với cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua và TP.HCM xác định được hướng đi đúng, cách làm phù hợp thì trong 10 năm là đủ tạo ra những thay đổi nền tảng của một đô thị hiện đại.
Quan sát cho thấy, bắt đầu từ năm 2017 thị trường khu Nam đã rục rịch đón nhận hàng loạt thương vụ chuyển nhượng, hợp tác… đình đám của các ông lớn bất động sản. Ngoài ra, các chủ đầu tư lớn trong nước đều tập trung về khu Nam và chuẩn bị quỹ đất lớn, sẵn sàng cho công cuộc bung hàng như Novaland, Vạn Thịnh Phát, Hưng Thịnh, Nam Long, Kiến Á Group…
Dự kiến nguồn cung của khu nam trong 2018 sẽ khoảng 12.000 – 15.000 căn hộ và khoảng hơn 1.000 căn nhà phố/biệt thự. Đây là một lượng cung khá dồi dào, đưa khu nam trở thành khu vực sôi động nhất thị trường TP.HCM trong năm nay.
Theo DKRA Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tạo sóng, đưa khu Nam trở thành khu vực thu hút mạnh mẽ chủ đầu tư và người mua phải kể đến tác động của các thông tin hạ tầng giao thông sắp được triển khai tại khu vực này. Từ đó, khu vực này thời gian qua, ngoài việc tăng nguồn cung nhà ở thì phân khúc văn phòng cho thuê, dự án officetel cũng tăng mạnh với mức giá cạnh tranh, tạo nên một bức tranh sinh động cho thị trường thời gian tới.
Qua tìm hiểu được biết, tại khu Nam, mô hình officetel đang xôm tụ với loạt cái tên như Florita, Sunrise Riverside, Sunrise Cityview, Ascent Lakeside, Keton Node, các dự án mới của Phú Mỹ Hưng, Dream Home Riverside, Aurora của DRH Holding, Lavida 1 và 2 của Quốc Cường Gia Lai. Hưng Thịnh Corp đang có khoảng 4.000 căn hộ cao cấp tại đường Đào Trí quận 7…
Tại khu vực này, nhờ tận dụng lợi thế khu trung tâm tài chính Phú Mỹ Hưng (quận 7), đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Lương Bằng – khu vực được mệnh danh là phố tài chính quận 7, gần đây, thị trường ghi nhận thêm sự ra đời của Golden King với quy mô 2.775m2 bao gồm 374 căn hộ officetel, do Công ty CP Đầu tư Phát triển Bất động sản Đông Dương đầu tư. Được biết, tòa nhà này toạ lạc ngay mặt tiền đường Nguyễn Lương Bằng, và đang trong quá trình hoàn thiện để bàn giao, đi vào hoạt động từ quý 4 năm nay.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, hầu hết các dự án nhà ở tại khu Nam được quy hoạch đồng bộ, hiện đại nên cùng với các dự án hạ tầng giao thông, đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đất này rất lớn trong thời gian qua. Hiện bên cạnh những dự án đã được triển khai, có rất nhiều nhà đầu tư cũng xin chủ trương đầu tư vào khu vực này với kỳ vọng đón đầu những bức phá từ hạ tầng giao thông, cũng như định hướng phát triển ở khu vực này trong thời gian sắp tới.
Dù đánh giá cao tiềm năng phân khúc đất nền khu Nam nhưng các chuyên gia cũng lưu ý nhà đầu tư cần xem xét kỹ các yếu tố pháp lý. Đặc biệt, việc chọn chủ đầu tư uy tín có ý nghĩa quyết định, tránh những rủi ro về tiến độ cũng như những cam kết trong quá trình phát triển dự án.